Tràn dịch màng phổi là gì? Nguyên nhân gây nên bệnh tràn dịch màng phổi

1089

Tràn dịch màng phổi là một chứng bệnh thường gặp ở người trưởng thành nhưng cũng nhiều người không biết căn bệnh này có nguy hiểm gì hay không.

Tràn dịch màng phổi hay hội chứng tràn dịch màng phổi là thuật ngữ dùng để chỉ về tình trạng tích tụ dịch (có thể là máu, dịch hoặc khí) trong khoảng trống giữa phổi và thành ngực vượt quá mức cho phép ở khoang màng phổi từ đó gây nên những biến đổi trên lâm sàng. Bệnh này gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của cơ thể con người. Dưới đây sẽ là một vài nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.

1.Tràn dịch màng phổi là bệnh gì?

Tràn dịch màng phổi là sự tích tụ quá nhiều chất lỏng trong phổi hoặc giữa phổi và lồng ngực. Bình thường, trong phổi có một lượng nhỏ chất lỏng để bôi trơn màng phổi, giúp phổi di động mượt mà trong khoang phổi. Quá nhiều chất lỏng tích tụ có thể gây áp lực lên phổi, làm cho bạn thở khó khăn. Có rất nhiều tình trạng có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi.

tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là sự tích tụ quá nhiều chất lỏng trong phổi hoặc giữa phổi và lồng ngực

Theo thống kê tại Mỹ hàng năm có khoảng trên 1 triệu người bị tràn dịch màng phổi. Ở Việt Nam hàng năm có khoảng hơn 1.000 trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh tràn dịch màng phổi. Căn bệnh này gây nhiều hệ lụy nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.

2.Nguyên nhân gây ra bệnh tràn dịch màng phổi

Nguyên nhân tràn dịch màng phổi thực chất chủ yếu là do biến chứng của nhiều loại bệnh khác nhau như:

-Nhiễm trùng ở phổi (áp-xe phổi vỡ, viêm phế nang do vi rút, bụi phổi, bệnh khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vỡ bóng khí phế nang…)

-Cơn hen suyễn nặng hoặc chấn thương lồng ngực gây xuyên thủng phổi.

-Gãy xương sườn làm tổn thương phổi hay áp xe ở các cơ quan khác vỡ tràn vào màng phổi (thường là áp xe cơ hoành).

-Lao phổi được coi là nguyên nhân tràn dịch màng phổi hàng đầu (chiếm đến 40%).

-Ngoài ra, tràn dịch màng phổi còn có thể do hậu quả của một số thủ thuật như chọc dò, nội soi phế quản, dẫn lưu màng phổi.

3.Triệu chứng của bệnh tràn dịch màng phổi

Một số triệu chứng tràn dịch màng phổi điển hình mà người bệnh cần phải hết sức chú ý như:

-Đau ngực: Đau ngực là triệu chứng ban đầu của tràn dịch màng phổi. Đau âm ỉ phía bên tràn dịch, nếu nằm nghiêng phía bên đối diện thì cơn đau sẽ tăng lên.

Triệu chứng của bệnh tràn dịch màng phổi
Triệu chứng của bệnh tràn dịch màng phổi

-Khó thở: Triệu chứng tràn dịch màng phổi điển hình là hiện tượng khó thở. Mức độ khó thở tùy thuộc vào số lượng cũng như tốc độ dịch tiết ra.

-Sốt: Khi tràn dịch màng phổi, người bệnh có thể sốt. Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể khi có dấu hiệu nhiễm trùng do tràn dịch màng phổi.

Tuy nhiên trong trường hợp tràn dịch màng phổi xảy ra ở người có tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo thì sẽ không có triệu chứng sốt.

-Ho khan: Một trong những triệu chứng tràn dịch màng phổi thường gặp là ho khan. Tuy nhiên tần suất ho khan còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh (tràn dịch màng phổi do bệnh lao sẽ ho nhiều hơn các bệnh như: áp xe gan, áp xe cơ hoành…).

Để chuẩn đoán xác định tràn dịch màng phổi, ngoài khám lâm sàng người bệnh có thể được chỉ định chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm màng phổi.

Nếu có điều kiện chọc dò màng phổi để quan sát màu sắc, tính chất của dịch, xét nghiệm dịch màng phổi bằng các phương pháp khác nhau để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Hậu quả của tràn dịch màng phổi ảnh hưởng rất lớn đến hô hấp gây thiếu dưỡng khí và có thể để lại di chứng nặng nề.

Chính vì thế khi thấy những triệu chứng tràn dịch màng phổi, người bệnh cần đi khám. Căn cứ vào tình trạng và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

4.Nguyên tắc điều trị tràn dịch màng phổi

-Trong tràn dịch màng phổi thường được chọc hút dịch vừa để làm các xét nghiệm cần thiết vừa để giải quyết khó thở cho người bệnh. Khi đã xác định được nguyên nhân thì vấn đề điều trị căn nguyên để làm giảm hoặc hết hiện tượng tràn dịch màng phổi là hết sức cần thiết.

-Sau điều trị hết tràn dịch, các bác sĩ thường phải can thiệp bằng các thuốc chống dính màng phổi vì đã tiên lượng được hậu quả hay gặp nhất của tràn dịch màng phổi là gây dày, dính màng phổi ảnh hưởng rất lớn đến chức năng hô hấp.

-Đề phòng biến chứng của tràn dịch màng phổi, thường dùng các loại thuốc chống dính kết hợp liệu pháp vận động (tập thở để phổi co giãn nhanh, phục hồi khả năng hô hấp). Các biện pháp này cần được thực hiện sớm và kéo dài.

-Với nguyên nhân do lao thì cần thực hiện nghiêm chỉnh phác đồ, thời gian điều trị, tuyệt đối không ngừng thuốc sớm và cần có chế độ dinh dưỡng tốt. Song song với điều trị bằng các kháng sinh đặc hiệu, bệnh nhân cần kiên trì, bền bỉ tập luyện phục hồi chức năng.

-Người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ nhằm điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.

5. Tràn dịch màng phổi nên ăn gì?

Khi bị bệnh tràn dịch màng phổi, việc ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau là điều cần thiết bởi chúng sẽ đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể. Nhưng bạn cũng cần lưu ý sử dụng những thực phẩm được các bác sỹ khuyến cáo như sau:

– Trái cây, rau xanh rất giàu dinh dưỡng, bạn cần bổ sung chúng trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

– Ngũ cốc là loại thực phẩm có nguồn chất xơ đáp ứng được yêu cầu của cơ thể. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng chúng thay cho bữa ăn chính. Hãy hỏi riêng bác sỹ trường hợp của bạn để có thêm thông tin về việc sử dụng loại thực phẩm này, nếu bạn thực sự không thích chúng.

– Những loại cá chứa nhiều hàm lượng dầu tự nhiên như cá mòi, cá thu, cá hồi…đều được khuyến cáo ăn ít nhất 2-3 lần/tuần.

– Tăng cường ăn nhiều chất protein từ thịt, trứng, gà…việc tiêu thụ những thực phẩm này sẽ giúp giảm lượng calo mà chúng ta ăn hàng ngày, rất có lợi cho sức khỏe của phổi.

– Uống ít nhất 6-8 ly nước lọc hoặc nước ép trái cây hàng ngày. Lợi ích của chúng không cần phải bàn, việc thải độc trong cơ thể cũng diễn ra nhanh hơn.

Với căn bệnh tràn dịch màng phổi trên đây, bạn cần phải xây dựng cho mình một đời sống lành mạnh hơn trong việc ăn uống.