Mâm cua hấp của dì Ba đã phát phiếu thứ tự cho khách hàng

961

Mâm cua hấp của dì Ba ngày càng thu hút được nhiều khách, thậm chí khách chờ đợi 2-3 ngày để được mua cua.

Theo những tin tức gần đây được cộng đồng mạng chia sẻ, những ngày qua, thời tiết Sài Gòn lúc nắng lúc mưa, nhưng không vì thế mà làm nhụt chí của hàng trăm người đứng đợi hàng giờ, xí chỗ để mua cua hấp của dì Ba (hẻm 565 Nguyễn Trãi, quận 5).

Dì Ba tên thật là Huỳnh Ngọc Dung (70 tuổi, ngụ quận 8). Theo người dân tại đây, mỗi ngày khoảng 12h trưa, dì Ba sẽ có mặt tại hẻm này với mâm cua hấp của mình. Mâm cua này đã “gây sốt” vì bán chỉ trong vòng 5 – 10 phút đã hết sạch nên có nhiều người đến rất sớm để chờ mua.

Mâm cua hấp của dì Ba thu hút khách nước ngoài
Mâm cua hấp của dì Ba thu hút khách nước ngoài

Có mặt tại con hẻm nơi dì Ba bán cua khi đồng hồ bước sang 11h30, chúng tôi đã thấy có nhiều người đậu xe máy đứng chờ. Những ánh mắt mong ngóng mua cua làm nhiều người đi qua đều ngạc nhiên vì không hiểu vì sao có nhiều người tập trung đứng đợi.

11h45, con hẻm mỗi lúc càng đông người, xe máy cũng đậu sát vỉa hè nhiều hơn gây ùn tắc giao thông trong ít phút.

Mâm cua hấp của dì Ba vẫn tiếp tục “gây bão” trên các trang mạng xã hội, cụm từ “mâm cua dì Ba” lan tỏa đến nỗi nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến, chờ đợi giữa trưa để mua. Thậm chí những người ở Cà Mau (thủ phủ về cua) cũng lặn lội hàng trăm cây số lên Sài Gòn để mua cua hấp dì Ba.

Chính vì thế, con hẻm 565 Nguyễn Trãi (quận 5, TP. HCM) đã trở thành địa điểm quen thuộc đối với những khách quen của cua hấp dì Ba.

Để bán hết vèo trong vòng vài phút như vậy, dì Ba mất cả buổi sáng để chuẩn bị từ khâu đi chợ lấy hàng đến việc chế biến và vận chuyển. Và công việc bán cua này của dì Ba đã đi qua hơn 30 năm với nhiều thăng trầm.

Căn nhà nhỏ rộng gần 15m2 nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo trên Quốc lộ 50 (quận 8) là nơi dì Ba sinh sống.

Chồng và con dì mất đã lâu nên chỉ còn phận già neo đơn ở tuổi “thất thập cổ lai hy” lủi thủi một mình, mưu sinh với nghề bán cua sống qua ngày. Do dì Ba sống một mình nên hàng xóm 3 – 4 người thường qua phụ dì nấu cua cho đỡ vất vả.

Mầm cua của dì Ba nhìn hấp dẫn và ăn vào thấy ngon, nhiều người ghiền như vậy là vì sự tận tâm của dì trong từng con cua. Dì chia sẻ, mỗi ngày dì đều dậy rất sớm để chuẩn bị mọi thứ, rồi đến 7h dì đi lên chợ Hòa Bình ở quận 5 để lấy cua Cà Mau được đầu mối phân phối tại đây.

Sau khi mang cua về, dì Ba cùng mọi người cắt dây rồi rửa thật sạch bùn đất bám trong thâm con cua. Mỗi con đều được dùng bàn chải chà sạch rồi nhúng qua vài lần nước sạch mới xếp vào nồi hấp.

Dì Ba phát số cho khách hàng đến mua mâm cua hấp của mình
Dì Ba phát số cho khách hàng đến mua mâm cua hấp của mình

Theo doisongxahoi, từ khi khách đông dần lên, dì lấy tại vựa khoảng 60kg, trừ hao khoảng 20kg dây buộc, số cua hấp còn lại khoảng từ 30-40kg cua để bán.

Dì Ba cho chia sẻ bí quyết, để có cua ngon, trong quá trình hấp, phải sắp xếp cua lớn và cua nhỏ vào hai nồi hấp riêng.

Nếu để con to, con nhỏ vào chung một nồi sẽ rất khó canh lửa cho chín đều. Ngoài ra khi xếp cua vào nồi hấp cũng phải xếp sao cho đều để cua chín đều.Cua sau khi chín đều được dì Ba kiểm tra rất kỹ. Sau đó, dì lấy khăn sạch lau khô, bôi dầu ăn lên mình cua cho bóng đẹp.

Cuối cùng, dì Ba sắp xếp cua lên mâm sao cho hấp dẫn, đẹp mắt trước khi mang đến địa điểm bán. Những con cua hư và không ngon, dì sẽ không bán.Sau đó, dì dùng bao ni long bọc mâm cua để tránh bụi bám vào rồi đi xe ôm đến điểm bán. Chứng kiến cách chế biến cua tại nhà của dì Ba mới thấy dì công phu qua từng bước, mọi công đoạn đều cẩn thận và tỉ mỉ.