Rùa mini đang là những từ khóa khá hot trên mạng xã hội khi mà bạn muốn sở hữu một vật bé bé xinh xinh thì loài rùa này lại là một ý tưởng sáng giá.
Thời gian qua, “rùa mini” có lẽ là 1 từ khóa khá hot trên cộng đồng mạng khi ta chỉ cần 1 cái click chuột trên thanh tìm kiếm Facebook đã có thể nhận về hàng chục kết quả là những bài đăng buôn bán loài rùa này.
Theo hình ảnh được đăng tải, rùa mini – đúng như tên gọi – có kích thước rất nhỏ, có thể nằm lọt trong lòng bàn tay. Cũng như tất cả các loài rùa khác, rùa mini cũng mang trên lưng chiếc mai cứng cáp, điều khác biệt duy nhất là chiếc mai này được tô vẽ nhiều họa tiết, hoa văn rất sặc sỡ.
Những hình vẽ trên mai rùa mini cầu kỳ và độ tinh xảo khác nhau, đơn giản thì là vài bông hoa, vài đốm màu sắc, cầu kỳ hơn còn là hình nguyên 1 con cú mèo hay cả nhân vật truyện tranh. Không chỉ tô màu lên mai rùa, nhiều người bán còn dùng sơn tô cả trên đầu rùa để “ton-sur-ton”.
Còn lời giới thiệu về loài rùa này? Từ tập tính, cách nuôi, cách chăm sóc đến giá thành đều được người bán quảng cáo kỹ lưỡng. Theo đó, rùa mini sống trên cạn, không thả vào nước; rất dễ nuôi, dễ cho ăn, thậm chí không ăn một tháng cũng không chết; có thể bắt ruồi, muỗi; giá cả thì chỉ 40-60k cho 1 bé rùa xinh xắn.
Rất nhiều thông tin về rùa mini đều được cung cấp, trừ tên loài rùa này. Người bán không nói rõ đây là loài rùa gì, chỉ khẳng định: “Không phải rùa tai đỏ”!
Bên cạnh đó, nhiều người đã hoài nghi, đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là loài rùa tai đỏ – loài rùa gây nguy hại cho môi trường nước, bị cấm buôn bán và thả ra môi trường ở Việt Nam?
Theo nhiều người quan sát được, rùa mini có 2 đốm đỏ ở 2 bên tai, là dấu hiệu nhận biết đặc trưng của loài rùa tai đỏ.
Liên quan đến rùa mini đang gây tranh cãi trên mạng xã hội, trao đổi với doisongxahoi, “Nhà Rùa học” Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hà Đình Đức khẳng định đây chính là rùa tai đỏ. Loài rùa này nằm trong danh sách các loài rùa xâm hại của Việt Nam, bị cấm buôn bán và thả ra môi trường.
Vào năm 2011, chính PGS – TS. Hà Đình Đức cũng đã phải lên tiếng cảnh báo về số lượng rùa tai đỏ gia tăng vượt kiểm soát tại Hồ Gươm (Hà Nội), gây hại đến nhiều sinh vật, tận diệt nguồn thức ăn của cụ Rùa.
Vào thời điểm đó, PGS – TS. Đức đã nhiều lần thấy rùa tai đỏ bám trên lưng cụ Rùa đang mang bệnh. Chính sinh vật ngoại lai này là tác nhân gây bệnh và đang tiếp tục gặm nhấm những vết thương ngày càng nghiêm trọng trên cổ, mai cụ Rùa.Quay trở lại với rùa mini hiện đang bày bán tràn lan trên mạng xã hội, PGS – TS. Hà Đình Đức cho biết hiện chưa có phân tích, đánh giá khoa học nào về việc có hại hay không những hình vẽ trên thân rùa, nhưng vị Phó giáo sư cho rằng, việc làm này là không nên.