Hải sản là món ăn rất ngon, đem lại nhiều dinh dưỡng cho người bình thường lẫn người bệnh. Nhưng không phải phần nào trong hải sản cũng đều ăn được, ăn nhầm có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tôm, cua, cá, ốc, sò,… là những hải sản quen thuộc được nhiều người yêu thích không chỉ vì hương vị thơm ngon của chúng mà còn vì là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể.
Tuy nhiên, trong mỗi loại hải sản đều có những bộ phận không nên ăn nếu không sẽ gây hại tới sức khỏe. Vậy liệu bạn có biết bộ phận đó là gì và từ trước tới nay bạn đã ăn hải sản đúng cách hay chưa?
Nên ăn hải sản đúng cách
Tôm
– Đường chỉ đen ở lưng tôm:
Đường chỉ đen ở lưng tôm (đường chỉ tôm) là đường tiêu hóa của tôm, chứa dạ dày và đại tràng, nên nó không hề sạch như nhiều người thường nghĩ.
– Đầu tôm:
Đầu tôm chính là nơi chứa các bộ phận nội tạng của tôm, do đó hàm lượng kim loại nặng trong đầu tôm cao hơn nhiều so với thân. Tuy nhiên, đối với tôm nuôi, hàm lượng này là không đáng kể.
Ốc biển
– Não và tuyến nước bọt của ốc:
Trong não ốc (nằm ở phần đầu của con ốc) có chứa các chất độc, dễ gây chóng mặt, ngộ độc thực phẩm nếu ăn nhiều. Thời gian ủ bệnh do ngộ độc thực phẩm gây ra bởi ốc thường từ 1 – 2 giờ với các triệu chứng là nôn mửa và chóng mặt.
Do đó, trước khi nấu, bạn cần sơ chế ốc sạch sẽ bằng cách ngâm ốc trong nước sạch từ một đến nhiều lần. Bên cạnh đó, bạn không nên ăn những loài ốc lạ để tránh ngộ độc.
– Ruột ốc: Ruột ốc nằm ở đuôi ốc, ở vòng xoáy nhỏ nhất, chứa nhiều chất bẩn. Do đó, bạn nên loại bỏ phần đuôi ốc trước khi ăn.
Sò điệp
Khi sơ chế sò điệp, bạn hãy lấy một con dao lóc phần thịt của nó ra khỏi vỏ. Sau đó, loại bỏ lớp màng mỏng bao quanh thịt sò, bởi đây là những bộ phận chứa nhiều cát bẩn nhất của sò điệp.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên loại bỏ phần bao tử màu đen do đây chính là nội tạng của sò điệp. Vì vậy, có thể nói rằng ăn sò điệp chính là ăn phần cơ nối giữa hai mảnh vỏ của sò điệp.
Những người không nên ăn hải sản
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
Mặc dù hải sản tươi sống tốt cho bà bầu tuy nhiên nếu ăn nhiều lại không hề tốt. Nếu phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú thường xuyên ăn đồ hải sản thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển hệ thống thần kinh của thai nhi hoặc của trẻ nhỏ, đặc biệt có những triệu chứng phải đến khi trẻ từ 7 đến 14 tuổi mới xuất hiện. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, phụ nữ mang thai và phụ nữ trong thời kỳ cho con bú nên hạn chế ăn đồ hải sản, tốt nhất mỗi tuần chỉ nên ăn 1-2 lần, mỗi lần dưới 100g.
Những người bị bệnh gout hay viêm khớp
Các món ngon hải sản cũng là những thực đơn “kiêng kỵ” đối với những người bị bệnh gout, bệnh viêm khớp do tăng axit uric trong máu và gây lắng động các thể purin ở khớp (thường ở ngón chân cái). Đây là căn bệnh được mệnh danh là “bệnh nhà giàu” do chế độ ăn nhiều thịt, hải sản và uống rượu bia làm tăng axit uric trong máu. Người thừa cân, béo phì nguy cơ bị gout cung cao
Những người bị dị ứng da
Hải sản tươi sống là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Nhưng đây cũng là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng trong khi ăn uống. Rất nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng hải sản cho người có thể trạng không hợp với hải sản như cua, tôm, ghẹ, cá nhám, cá ngừ…
Theo doisongxahoi, chất gây dị ứng có trong đồ biển khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn cảm. Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng và thường xuyên xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, có người chỉ vài phút. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng (hoặc khắp người), rất ngứa, nôn nào khó chịu. Thường vài giờ sau triệu chứng sẽ lặn. Trường hợp nặng thì ngoài nổi ban và ngứa còn phù nề mặt, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở… Cũng có trường hợp nguy kịch, người bệnh có phản ứng kiểu phản vệ, dẫn đến tử vong.
Ngoài ra bạn cũng có thể xem thêm bài viết: Công dụng của dầu gấc trong chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.