Những lần Youtube sập mạng khiến người dùng hoang mang

966

Nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới từng trải qua nhiều lần sập mạng gây ảnh hưởng trên diện rộng.

Sáng ngày 17/10, tin tức cộng đồng mạng cho biết YouTube gặp sự cố không thể truy cập được từ mọi nền tảng như máy tính, di động và TV trên phạm vi toàn cầu. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, sự cố trên mới được khắc phục. Tuy nhiên, YouTube nói riêng và Google nói chung vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về nguyên nhân hay hậu quả của sự việc này.

Những lần youtube sập mạng

YouTube sập mạng lần đầu (2013)

Ngày 16/8/2013, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới bị ngừng hoạt động trong vòng 5 đến 30 phút. Theo New York Times, nhiều người dùng truy cập vào YouTube nhận được dòng thông báo “500 Internal Server Error” cùng một đoạn text đầy những kí tự lạ.

Theo VentureBeat, sự cố trên liên quan tới nhiều dịch vụ của Google như Gmail, Google Drive, tất cả các trang web đều không thể truy cập được. Sau khi khắc phục vấn đề, Google thất thoát khoảng 545000 USD (12.7 tỷ đồng). VentureBeat so sánh rằng một cách hóm hỉnh rằng số tiền đáng giá 5 chiếc xe điện Tesla của Larry Page, CEO Google thời đó.

youtube sập mạng

Toàn châu Âu không thể truy cập YouTube (2016)

Tối ngày 22/6/2016, người dùng khắp châu Âu và Anh quốc không thể truy cập vào trang youtube.com. Phạm vi ảnh hưởng của sự việc tiếp tục lan rộng sang Nhật Bản và các nước Châu Á. Người dùng tiếp tục gặp phải lỗi “500 Internal Server Error”. Tuy nhiên, sau 15 phút không thể truy cập, người dùng đã có thể kết nối bình thường.

Người Mỹ không thể vào YouTube (2017)

Sự cố bắt nguồn từ lúc Google bị sập vào năm 2017 do một vài lỗi trên Google Drive. Trên Twitter của YouTube, người dùng khắp thế giới đổ dồn về báo cáo lỗi và xin lời khuyên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Phạm vi ảnh hưởng bắt nguồn từ châu Mỹ sau đó lan rộng khắp châu Âu.

Có khoảng hơn 1.000 lượt báo cáo trên trang web Down Detector lại với cùng một lỗi “500 Internal Server Error”. Sau đó 30 phút, YouTube trở lại trạng thái bình thường.

YouTube TV sập vì quá tải (tháng 6/2018)

Tại phút 68 của trận đấu diễn ra giữa Crotia và Anh tại World Cup 2018, dịch vụ YouTube TV bị sập trong vòng 40 phút. Đây là lần sập thứ hai của YouTube TV trong năm. Trước đó, nền tảng cũng bị quá tải tại Chung kết giải bóng rổ phía Đông NBA. Người dùng dịch vụ phải bỏ ra 40 USD (931,800 đồng)/tháng cùng với cam kết cung cấp đường truyền tốt nhất cho mọi sự kiện thể thao của YouTube.

Những rắc rối liên tiếp với YouTube và Google

Sự cố YouTube bị sập trên phạm vi toàn cầu vừa qua nối dài những rắc rối mà nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới nói riêng và gã khổng lồ Google nói chung gặp phải trong suốt hơn 1 năm qua.

Cuối năm ngoái, nhiều thương hiệu lớn đồng loạt tuyên bố “tẩy chay” YouTube khi các quảng cáo của họ hiển thị trên những video phản cảm và độc hại khiến doanh thu của YouTube nói riêng và Google nói chung sụt giảm. Trước đó, vào tháng 3/2017, YouTube ước tính đã thiệt hại 750 triệu USD khi một số nhãn hàng cắt quảng cáo trên nền tảng này.

Theo doisongxahoi, YouTube sau đó đã phải siết chặt việc quản lý nội dung trên nền tảng của mình. Tại Việt Nam, theo chia sẻ của một vlogger, đã có hàng nghìn kênh bị tắt chức năng kiếm tiền vào thời điểm đó.